Nhận định Hiến_pháp_Việt_Nam_Cộng_hòa_1956

Về mặt pháp lý, bản Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa 1956 khẳng định việc phân chia quyền lực của chế độ là tam quyền phân lập và có mục tiêu để hai ngành lập pháphành pháp kiểm soát lẫn nhau. Về ngành tư pháp thì quyền lực kém hơn và không được độc lập hoàn toàn vì lệ thuộc vào Bộ Tư pháp và phủ Tổng thống bổ nhiệm và điều hành.[4][5] So sánh với các quốc gia khác thì Hiến pháp 1956 dồn nhiều quyền lực vào ngành hành pháp hơn vì tổng thống có những đặc quyền trong những trường hợp nội loạn, chiến tranh hay khủng hoảng tài chánh.[4]

Hiến pháp bị coi là cách để Ngô Đình Diệm có toàn quyền khống chế bộ máy nhà nước, thể hiện qua những điểm:

  • Khi phủ Tổng thống phủ quyết một đạo luật của lập pháp, Quốc hội phải hội đủ túc số 3/4 mới được tái thông qua. Mà 3/4 này phải “minh danh đầu phiếu” (điều 58), như vậy Tổng thống có thể biết ai đã chống lại quyền phủ quyết của mình.
  • Một viện Bảo hiến có được quy định để nghiên cứu và quyết định xem các điều khoản có bất hợp hiến không, nhưng viện này gồm 9 người thì vị chủ tịch và 4 thẩm phán hay luật gia đã do Tổng thống bổ nhiệm (điều 86).
  • Tổng thống có quyền đề nghị sửa đổi hiến pháp (điều 90) và Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp phải tham khảo ý kiến của Viện Bảo hiến (mà 5/9 người đã là do Tổng thống chỉ định) và còn của cả Tổng thống nữa (điều 91).
  • Tổng thống không bắt buộc phải điều trần trước Quốc hội, không chịu trách nhiệm trước Quốc hội và không thể bị Quốc hội bất tín nhiệm để cách chức. Tổng thống tiếp xúc với Quốc hội “bằng thông điệp” và nếu muốn “có thể dự các phiên họp của Quốc hội”, cũng như chỉ “khi thấy cần, Tổng thống thông báo cho Quốc hội biết tình hình Quốc gia” (điều 39).

Tóm lại, theo Hiến pháp 1956, Tổng thống Ngô Đình Diệm có đầy đủ quyền lực để triệt tiêu hoặc làm tê liệt các đạo luật nào mà ông không vừa ý, cũng như dễ dàng ban hành và thi hành các đạo luật nào có lợi cho mình.

Xét về mặt tinh thần thì Hiến pháp 1956 đặt nhân dân ở cương vị chủ chốt của quốc gia và "chủ quyền thuộc về toàn dân" (Điều 2). Điều đáng ghi nhận là nền tảng của bản hiến pháp nêu ra ba khía cạnh: "văn minh Việt Nam", "duy linh", và "giá trị con người" như ghi rõ trong lời mở đầu.[6] Vì văn bản ghi là dân tộc có "sứ mệnh" trước "Đấng Tạo hóa" nên có người cho rằng đây chứng minh sự thiên vị của chính quyền với Thiên Chúa giáo trong khi các tôn giáo khác không được đề cập đến.[7]